MÔN ĐỒ CHÚA CỨU THẾ. Mục Sư Nguyễn Mạnh Cường

Nhân đi dự cuộc hội nghị quan trọng tại một thành phố lớn, một mục sư ghé thăm người bạn học cũ ở chủng viện mà nghe nói bây giờ là mục sư quản nhiệm của một nhà thờ lớn trong thành phố đó. Niềm nỡ đón bạn vào văn phòng “rất có tầm cỡ” của mình, vị mục sư chủ nhà sốt sắng hỏi thăm bạn về tình hình chức vụ và sau đó hào hứng kể cho bạn nghe những thành quả của chức vụ mình kể từ sau ngày tốt nghiệp chủng viện và thụ phong chức vụ mục sư. Cuối buổi viếng thăm là chuyến “tham quan” thật quy mô. Vị mục sư chủ nhà hãnh diện đưa bạn đi xem toàn bộ ngôi nhà thờ rộng lớn vừa mới được trùng tu. Ra đến sân, ông chỉ cho bạn xem chiếc thập tự giá lớn đứng sừng sững trên ngọn tháp cao chót vót của nhà thờ một cách tự hào: “Chúng tôi vừa mới gắn chiếc thập tự giá này để thay cho cái cũ đã hư nát. Thật là một kiệt tác! Chúng tôi phải tiêu hai mươi nghìn đô-la cho chiếc thập tự giá này đó.” Vị mục sư khách nghĩ thầm: “Nghĩ cũng lạ, chỉ là hai thanh kim loại bắt vuông góc mà phải trả một giá thật đắt để có được. Có một chiếc thập tự giá khác có giá trị đời đời nhưng lại miễn phí mà chẳng ai muốn đem về.”</p>

Chúng ta hiểu ý của vị mục sư này: Chiếc thập tự giá quý giá mà chẳng ai muốn mang là chiếc thập tự giá của môn đồ Chúa Giê-su. Ngài phán: “Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta” (Lu-ca 14: 27). Như vậy, “vác thập tự” là dấu hiệu của môn đồ Chúa. Tuy nhiên, ngày hôm nay, có nhiều người xưng mình là “môn đồ” của Chúa nhưng lại không muốn vác thập tự giá theo Ngài. Thật ra, đây không phải là một điều mới mẻ nhưng đã xảy ra trong những năm Chúa thi hành chức vụ của Ngài trên đất. Khi Chúa đi từ nơi này đến nơi khác để giảng Tin Lành, nhiều người đi theo Ngài, nhưng phần lớn hoặc chỉ là những người hiếu kỳ hoặc chỉ muốn được hưởng hay xem những phép lạ Ngài làm. Thậm chí các sứ đồ của Ngài đi theo Ngài không phải để vác thập tự giá nhưng để được ngồi “bên tả” và “bên hữu” của Ngài trong vinh quang hoặc để nhờ Ngài mà thỏa mãn khát khao chính trị của mình. Thập tự giá là rào cản cuối cùng giữa họ và địa vị môn đồ thật của Chúa.

Phúc Âm Ma-thi-ơ 16 ghi lại một giờ phút kỳ diệu của Phi-e-rơ khi ông bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh mà nhận biết rằng Ngài là “Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (câu chuyện này cũng được chép ở Mác 8 và Lu-ca 9). Nhưng ngay sau đó, khi Chúa phán về sự thương khó của Ngài thì ông phản đối ngay: “Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” Lúc ông bác bỏ chiếc thập tự của Chúa thì cũng chính là lúc ông khước từ vác chiếc thập tự giá của mình. Chúa Giê-su không dừng ở đó mà còn đưa ra một thách thức lớn hơn. Lu-ca 9 ghi lại rằng sau khi quở trách Phi-e-rơ thì Chúa Giê-su phán cùng mọi người : “Nếu ai muốn theo ta . . .” Chúng ta có thể hình dung ra cảnh khi Chúa nói đến đó thì chắc hẵn có nhiều người đưa tay lên: “Có tôi đây! Có tôi đây!” Nhưng khi Chúa phán tiếp “phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta” thì chắc có lẽ rất nhiều người, nếu không phải là tất cả, cúi đầu và lẳng lặng nói với nhau rằng: “Trời đã tối rồi. Chúng ta phải về nhà thôi...” Theo Chúa để thấy phép lạ, để được chữa lành, được ăn những miếng bánh thơm ngon... thì ai cũng muốn, nhưng theo Chúa để vác thập tự giá thì không ai dám. Thập tự giá chính là dấu hiệu phân biệt giữa người “theo Chúa” và “môn đồ thật của Chúa.” Có một đoàn đông theo Chúa, nhưng không phải ai cũng trở thành môn đồ của Ngài. Thập tự giá đã cản đường họ. Những vị sứ đồ của Chúa cũng không ngoại lệ. Tất cả đều chạy trốn khi Chúa chịu thương khó. Họ chỉ trở thành những môn đồ thật sự của Chúa—thật sự vác thập tự giá theo Chúa—sau khi đã gặp được Chúa Phục Sinh.

Nếu chúng ta đọc kỷ Lu-ca 8: 23, điều kiện của Chúa Giê-su để trở thành môn đồ của Ngài rất rõ ràng: “tự bỏ mình đi” và “vác thập tự giá mình.” Hai điều kiện này có ý nghĩa như thế nào?

Theo nguyên văn, động từ “tự bỏ” là “chối bỏ chính mình” (anesustho eauton—deny himself). Trong Tân Ước, động từ “chối bỏ” chỉ được dùng trong hai bối cảnh, một lần ở Lu-ca 8: 23 và một lần ở câu chuyện Phi-e-rơ chối Chúa. Ma-thi-ơ 26: 74 chép về việc chối Chúa của Phi-e-rơ: “Người bèn rủa mà thề rằng: Ta không biết người đó đâu!” Đó là “chối bỏ.”

Từ ý nghĩa đó, tự bỏ mình đi có nghĩa là tự nhìn vào bản ngã cũ của mình và nói: “Ta không biết con người đầy kiêu căng, tự mãn, tham vọng, tư dục... này đâu!” Tự bỏ mình đi giống như là nhìn vào con người mình trong gương và nói rằng: “Ta biết bạn muốn được ngồi chỗ cao trong đám tiệc, nhưng chúng ta sẽ mặc chiếc áo lao động vào phục vụ người khác. Ta biết bạn muốn “để chút danh gì với núi sông,” cảm thấy thật là “dễ chịu” khi người khác tán thưởng thành tích hay công trạng của mình, nhưng chúng ta hãy học theo tâm tình của Đấng Christ để hạ mình như Ngài đã hạ mình. Ta biết bạn muốn là đầu, nhưng chúng ta sẽ là rốt. Ta biết bạn muốn trả đũa khi bị xúc phạm, nhưng chúng ta sẽ lấy tình yêu thương đáp lại sự thù ghét...” Cái “tôi” vô hình, vô sắc, không trọng lượng... nhiều khi chỉ là một chút háo danh, một chút say mê quyền lực... chỉ một chút thôi! ... lại là trở ngại lớn trên đường theo Chúa. Nhưng biết làm sao được! Chúng ta phải tự bỏ “cái tôi” của mình đi (điều kiện thứ nhất) trước khi có thể vác thập tự giá (điều kiện thứ hai). Vác thập tự giá không phải là một việc nhẹ nhàng, nên nếu một bên vai của chúng ta là thập tự giá và vai bên kia là cái tôi của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ ngã quỵ trên đường theo Chúa.

Điều kiện thứ hai của Chúa là “vác thập tự giá mình.” Cử tọa của Chúa Giê-su ngày đó chắc chắn biết rất rõ “vác thập tự giá” có ý nghĩa kinh khiếp như thế nào. Vào thời đó, những người vác thập tự giá là những người đi đến chỗ hành hình của mình để bị đóng đinh chết một cách đau đớn trên chính cây thập tự mình vác đi. Do đó, điều Chúa Giê-su nói có thể đã tạo ra một cảm giác rờn rợn trong lòng của những người đang có mặt. Vác thập tự giá là chấp nhận cái chết chắc chắn. Quả thật, trong hai mươi thế kỷ qua, nhiều môn đồ của Chúa đã trở thành những người “tử đạo”—chết vì danh Chúa. Tuy nhiên, “tử đạo” không phải là điều nhất định xảy ra khi “vác thập tự” mà chỉ là những trường hợp ngoại lệ khi thế lực thù địch đạo Chúa trở nên hung ác đến cực điểm. Cái chết đàng sau thập tự giá không nhất thiết phải là cái chết của thân thể như cái chết của các vị thánh tử đạo, và cũng không phải là điều Chúa Giê-su muốn nói ở đây. Cây thập tự mà Ngài đang nói đến là cây thập tự để đóng đinh chết đi ước muốn vị kỷ, sự quan trọng cá nhân, cũng như kế hoạch cuộc sống theo ý riêng mình.

Trong quyển “Cái Giá Của Chức Phận Môn Đồ,” nhà thần học người Đức Dietrich Bonhoeffer đã viết: “Khi Chúa Giê-su kêu gọi một người nào, thì Ngài đòi hỏi người đó hãy đến và chết đi.” Có thể ông đã ám chỉ đến sự chết theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chính ông đã chết theo nghĩa đen khi trở về Đức trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến để dùng Phúc Âm của Chúa đối đầu với chủ nghĩa Quốc Xã bạo tàn của Hitler và cuối cùng chịu cái chết của người tử đạo. Nhưng theo nghĩa bóng, có thể ông đã nghĩ đến điều mà Sứ Đồ Phao-lô đã nói trong Ga-la-ti 2: 20: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ.” Ông đã “đóng đinh” hết tất cả những gì thuộc về con người cũ—bản chất xác thịt, cái tôi, ưu thế xã hội, một tương lai sáng lạn theo cái nhìn của người đời, v.v...—để có thể thật sự bước đi theo Chúa.

Theo các sách Phúc Âm, trong ba năm chức vụ của Chúa Giê-su, dường như những người theo Ngài, kể cả các sứ đồ, không có một khái niệm nào về “tự bỏ mình đi” và “vác thập tự giá” trước khi chính Ngài bị đóng đinh ở đồi Gô-gô-tha. Có lẽ vị sứ đồ đầu tiên kinh nghiệm được một phần ý nghĩa của lời Chúa Giê-su phán là Phi-e-rơ. Là một người đầy nhiệt huyết nhưng bồng bột, ông thường hành động theo bản năng và cảm tính nhất thời mà không chịu suy nghĩ sâu xa. Thách thức “vác thập tự giá” lớn nhất đã đến với ông trong sân nhà của thầy cả thượng phẩm Cai-phe vào buổi sáng sớm ngày Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Vì sợ, ông đã ba lần chối Chúa. Vì sợ, ông đã không dám cùng “vác thập tự giá” với Chúa khi Ngài chịu thương khó. Nhưng tiếng gà gáy theo lời tiên tri của Chúa đã làm ông tỉnh thức và tan vỡ. Kinh Thánh chép rằng: “Người đi ra và khóc lóc cách đắng cay.” Tôi tin rằng trong chính giờ phút đó, con người cũ của Phi-e-rơ—con người hồn nhiên, bồng bột, đầy nhiệt huyết và cá tính nông nỗi, cộng thêm một chút tham vọng...—đã bị chôn vùi trong những giọt nước mắt ăn năn và chết đi để chuẩn bị cho một con người mới của Phi-e-rơ—con người đã gặp Chúa Phục Sinh mấy ngày sau đó trên bờ biển Ti-bê-ri-át để sống lại một cách mạnh mẽ, tầm thước vóc giạc. Con người Phi-e-rơ mới đó giờ đây đã có thể thực sự vác thập tự giá để trở nên môn đồ thật của Chúa.

Cơ-đốc nhân ngày hôm nay dự Tiệc Thánh để được nhắc nhở rằng thập tự giá của Chúa Giê-su là con đường duy nhất đến sự cứu rỗi. Và họ chịu báp-têm—xưng nhận trước mọi người rằng mình đồng chết con người cũ và đồng sống lại với Chúa cách mới mẻ—để được nhắc nhở rằng “tự bỏ mình đi” và “vác thập tự giá” là con đường duy nhất để thật sự theo Chúa Giê-su, để trở nên môn đồ thật của Ngài. Tuy nhiên, dòng nước báp-têm chỉ là nghi lễ bên ngoài để xác nhận với mọi người rằng mình theo Chúa. Cuộc “tự bỏ mình” và “vác thập tự giá” bên trong mới xác định được mình có thật là môn đồ của Chúa hay không. Đó là một cuộc vật lộn dữ dội giữa bản ngã và con người mới theo hình ảnh Đấng Christ, và nếu phần thắng nghiêng về cái bản ngã quá bướng bỉnh thì kết quả sẽ là những người “theo Chúa” mà không hề có đủ sự cam kết để trở nên môn đồ của Ngài. Đó là lý do mà vẫn có những người theo Chúa nhiều năm mà vẫn chưa kinh nghiệm được sự “đổi đời” để nếm trãi được sự ngọt ngào của phước hạnh trong Chúa, vẫn có những người học đòi theo Sứ Đồ Phao-lô để làm “người lính giỏi của Đức Chúa Giê-su Christ” nhưng vì “việc đời còn lụy” nên dù “đi ra trận” mà lòng vẫn còn ước mơ một chút công danh.

Nhìn từ góc độ của “đất,” đòi hỏi “tự bỏ mình để vác thập tự” của Chúa Giê-su dường như là lời kêu gọi đến với mất mát, khổ nhục, bi thương... nhưng nhìn từ phía thiên đàng, đó là con đường của sự sống thật. Châm Ngôn 16: 25 chép: “Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người; nhưng cuối cùng nó thành ra cái nẻo sự chết.” Con đường của bản ngã xác thịt thật khoảng khoát, rộng rãi, dễ chịu, nhưng đó là con đường của sự chết. Sau lời kêu gọi “tự bỏ mình” và “vác thập tự,” Chúa Giê-su phán tiếp: “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống thì sẽ cứu. Nếu ai được cả thiên hạ, mà chính mình phải mất hoặc hư đi, thì có ích gì?” Cho nên, con đường “tự bỏ mình để vác thập tự” cho dù là con đường hẹp, nhưng là con đường của sự sống thật, con đường của những môn đồ đích thật của Chúa. Chúa gọi chúng ta đến và đòi hỏi chúng ta chúng ta phải tự bỏ chính mình, phải chết cái bản ngã xác thịt, nhưng chính tại cái chết đó chúng ta sẽ khám phá ra rằng thật ra Chúa gọi chúng ta đến để nhận lấy sự sống, một sự sống vĩnh hằng bắt đầu bằng một cuộc đời thực sự có ý nghĩa trên đất... bề ngoài là khổ nạn, nhưng bên trong là sự vui mừng và thỏa lòng; bề ngoài là mất mát, nhưng bên trong là nhận lãnh.

Trong một buổi ăn sáng thân mật, hai người bạn là hai vị mục sư quản nhiệm hai nhà thờ trong một thành phố nọ tâm tình với nhau về chức vụ. Họ đều đồng ý với nhau rằng trong thời buổi mà nhịp độ cuộc sống nhanh đến chóng mặt này, việc thực hiện những mục vụ trong hội thánh gặp nhiều khó khăn vì thiếu... nhân sự! Sau một hồi trầm ngâm, một người nói: “Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải đặt lại vấn đề về tiêu chuẩn của chức phận môn đồ Đấng Christ.” Người kia ngạc nhiên hỏi: “Điều anh vừa nói có ý nghĩa gì?” Vị mục sư vừa đặt vấn đề trả lời: “Có lẽ lâu nay chúng ta đã hạ quá thấp tiêu chuẩn của chức phận môn đồ. Chúng ta chỉ muốn được an toàn, tự bằng lòng với chính mình vì thu hút được một “đoàn dân đông,” nhưng vì sợ làm họ lo lắng và không cảm thấy thoải mái mà không dám thách thức để họ thực sự vác thập tự giá mà trở nên môn đồ của Chúa. Có lẽ chính vì thế mà chúng ta có rất nhiều “khán giả” nhưng lại không có người hành động.”

Tôi hoàn toàn đồng ý với vị mục sư này. Hội thánh sẽ không thiếu nhân sự cho những mục vụ, sẽ không giảm đi ảnh hưởng đối với thế giới chung quanh, sẽ thực sự trở thành ánh sáng của thế gian, sẽ là muối của đất, sẽ làm được nhiều việc lớn cho Chúa, sẽ có kết quả nhiều trong việc thực thi Đại Mạng Lịnh Chúa giao... nếu “đoàn đông” theo Chúa không còn là những “khán giả hiếu kỳ” mà dạn dĩ trở nên những môn đồ đích thực của Chúa, những người dám tự bỏ mình đi để vác thập tự giá theo Ngài. Trong những ngày cuối rốt này, Sa-tan đang “giận hoảng, điên cuồng,” tìm đủ mọi cách để một lần nữa nhận chìm thế giới vào sự tối tăm. Để bẻ gãy quyền lực của nó, Hội Thánh Chúa phải trở nên một đội quân tinh nhuệ, gồm những “chiến sĩ thuộc linh” dũng cảm, dám sống dám chết vì cớ Tin Lành—những môn đồ đích thực của Chúa Cứu Thế Giê-su, sẵn sàng vác thập tự giá theo Ngài—chứ không chỉ là một tập thể của những “Cơ-đốc nhân” nữa vời, những “tín đồ” theo Chúa xa xa. Cầu xin Đức Thánh Linh ban linh lực mạnh mẽ cho tôi con Chúa để tất cả có thể dứt khoát tự bỏ mình, vượt qua thập tự giá của mỗi người, và tìm thấy sự sống thật cũng như sự vui mừng của những môn đồ đích thật của Chúa Cưu Thế Giê-su.

Mong thật hết lòng.